(Dân Việt) - Không phải trong truyện, cũng không phải trên phim, quần đảo Hải Tặc là địa danh hành chính ở vùng biển Kiên Giang. Như tên gọi, quần đảo bao xung quanh nó những câu chuyện về bọn hải tặc trăm năm cũ...
Khám phá đảo Hải Tặc
Quần đảo Hải Tặc nằm trong vịnh Thái Lan, phía tây bắc là quần đảo Bà Lụa, phía đông là đảo Phú Quốc, thuộc địa bàn xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thời Pháp, quần đảo này thuộc làng Tiên Hải, tỉnh Hà Tiên.
Những người cao tuổi trên đảo Hòn Tre cho biết, dấu chân những người đầu tiên đặt lên vùng hoang đảo này là vào những năm 1950. Khi đó, vùng đảo này rất hoang vu, trở thành điểm đến của dân nghèo khắp nơi đến khai hoang lập nghiệp. Mặc dù họ luôn bị ám ảnh bởi cái tên dữ dằn của hòn đảo cướp biển khét tiếng một thời nhưng cái nghèo đã đưa đẩy nhiều người tìm đến vùng hoang đảo.
Theo nhà sử học Trương Minh Đạt (chuyên gia nghiên cứu lịch sử vùng Hà Tiên, Kiên Giang) nạn cướp biển đã có từ thời cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai trị đất Hà Tiên (thế kỷ 17) và còn kéo dài đến thời Pháp thuộc (thế kỷ 18).
Cái tên đảo Hải Tặc cũng xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp có tổ chức và quy mô lớn. Bọn cướp có thể nhiều quốc tịch khác nhau. Quần đảo Hải Tặc nằm trên tuyến đường thông thương rất quan trọng nên đã được chúng chọn làm hang ổ để phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại.
Khi đó, Hà Tiên là một thương cảng sầm uất có rất nhiều tàu của thương buôn nước ngoài đến trao đổi mua bán. Trong đó có cả tàu của hải tặc cũng trà trộn vào đất liền điều nghiên, theo dõi để dễ dàng thực hiện cướp. Ông Trương Minh Đạt cho rằng, thời điểm hải tặc lộng hành nhất là khi chính quyền của Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại.
Cột mốc đảo Hải Tặc được xây từ chế độ cũ, đến nay vẫn còn trên đảo. |
Đi tìm kho báu
Theo hồ sơ, tháng 3.1983, người dân ở xã Tiên Hải, huyện Kiên Hải dùng tàu biển vây bắt 2 người nước ngoài xâm nhập vào đảo. Khi bị bắt, 2 đối tượng khai tên là Richard Charles Knight-quốc tịch Anh và Frederick Kurt Graham-quốc tịch Mỹ.
Hai người này dùng xuồng cao tốc đi từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ. Bị truy vấn, 2 ông Tây khai họ là hậu nhân của những tên cướp biển từng đóng sào huyệt trên hoang đảo này. Chẳng ai tin lời 2 ông này, và sau đó thì họ bị trục xuất về nước. Mải mê với cơm áo gạo tiền, người dân nơi đây cũng không còn quan tâm gì đến tấm bản đồ kho báu.
Những đồng tiền cổ được người dân mò tìm được dưới biển còn sót lại trên đảo Hòn Tre. |
Khoảng vài năm trở lại đây, các chum đựng tiền cổ và những đồng tiền cổ lẻ tẻ vẫn liên tục được phát hiện. Nhiều cư dân ở Hòn Tre giữ khá nhiều tiền cổ với niềm tin rằng, đó là một sợi dây nối quý báu để họ hiểu hơn về vùng đất đang sống, nơi hiếm hoi trên địa cầu mang danh “hải tặc” hẳn hoi trên bản đồ hành chính.
Anh Hóa-một thanh niên ở đảo Hòn Tre cho biết, trong một lần đi lặn biển, tình cờ mò được những đồng tiền có màu vàng hoa văn lạ mắt. “Em cũng không biết những đồng tiền này ở đâu mà cứ lặn mò trong cát là dính. Mò hoài có hoài, nhiều lắm”, anh Hóa nói.
Anh Đông-một người hàng xóm của Hóa, hay tin muộn nhưng cũng ra bãi lặn mò và tìm được nhiều đồng tiền còn lạ hơn. “Tôi mò được cả đồng tiền vàng cỡ lớn, cỡ nhỏ và những đồng tiền màu bạc rất đẹp, rất lạ và giữ làm kỷ niệm đến bây giờ", anh Đông kể.
Anh Hóa cho biết, khi mới lặn mò được những đồng tiền vàng, nhiều người giàu có trên đảo hay tin đã tìm đến hỏi mua với giá 10.000 đồng/đồng, nhưng mẹ anh không chịu bán. Hiện nay, gia đình Hóa chỉ còn giữ được 8 đồng tiền lạ, trong đó có những đồng tiền có lỗ, có đồng một mặt in nổi chữ bằng tiếng Trung Quốc, mặt sau chạm nổi hình rồng hoặc hình một người đàn ông đội vương miện như hoàng đế.
Một vài đồng tiền khác có chạm nổi hình một người phụ nữ đội vương miện tựa như nữ hoàng nhưng hình ảnh rất mờ. Trên tất cả các đồng tiền đều không thể hiện rõ do quốc gia nào xuất khố và niên đại hay mốc thời gian nào.
Theo: Hữu Danh - Báo Dân Việt